Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Không dùng rượu, cồn hạ sốt cho trẻ

Mới đây, một bé 2 tuổi ở Trung Quốc đã ngộ độc methanol dẫn đến tử vong do được cha mẹ lau cồn công nghiệp khắp người để hạ sốt. 
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, khuyến cáo việc dùng rượu, cồn lau khắp người trẻ để hạ sốt không thật sự an toàn vì rượu hay cồn bốc hơi rất nhanh có thể gây ra hiện tượng co mạch không thải được nhiệt. Giống như chườm đá lạnh cho trẻ, có thể mát ở ngoài da nhưng nhiệt độ bên trong vẫn cao. Đặc biệt, nếu hạ sốt bằng rượu công nghiệp, cồn có chứa methanol rất có thể trẻ sẽ bị ngộ độc do methanol ngấm qua da hoặc do hít phải hơi methanol.
Theo bác sĩ Cấp, cách hạ sốt an toàn nhất là chườm ấm (30-35OC) và xử lý tùy vào từng giai đoạn sốt.
  • Giai đoạn một (thường co mạch ngoại biên, da, chân tay lạnh, rét run nhưng tăng thân nhiệt trung tâm): cần chườm ấm toàn bộ bề mặt da giúp da giãn mạch, thải nhiệt tốt hơn và rút ngắn giai đoạn này.
  • Giai đoạn hai (thân nhiệt trung tâm và ngoại biên đều tăng): chườm ở các vùng mạch máu lớn chạy qua (nách, bẹn) nhằm làm giảm nhiệt độ dòng máu, giúp giảm nhiệt độ trung tâm (giai đoạn này có thể dùng nước khá lạnh).
  • Giai đoạn ba (cơ thể tăng thải nhiệt, giãn mạch ngoại biên: đỏ da, đỏ mặt): có thể lau nước mát toàn thân nhưng không quá lạnh để tránh co mạch, giữ nhiệt.

Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc hạ sốt (phổ biến là paracetamol), kết hợp hai loại thuốc hạ sốt để tăng hiệu quả, tránh quá liều paracetamol nhưng lưu ý đến việc tăng nguy cơ xuất huyết nếu dùng ibuprofen (nếu là sốt xuất huyết). Ngoài ra, có thể kết hợp hạ sốt bằng các cây cỏ dân gian như cỏ mực, diếp cá...
(http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150618/khong-dung-ruou-con-ha-sot-cho-tre/763128.html)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét